Châu Âu có thể cầm cự việc thiếu khí đốt Nga trong 6 tháng, nhưng nếu dài hơn, hậu quả kinh tế sẽ rất nghiêm trọng.
“Trong 6 tháng đầu, châu Âu có thể dùng dự trữ hiện tại và tìm nguồn cung thay thế”, Alfred Kammer – Giám đốc phụ trách châu Âu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong cuộc phỏng vấn bên lề cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). “Tuy nhiên, nếu việc này kéo dài sang mùa đông và lâu hơn nữa, tác động đáng kể với nền kinh tế sẽ xuất hiện”.
Các nước phương Tây vẫn đang cân nhắc cấm vận năng lượng Nga, do chiến sự tại Ukraine. Nhưng Moskva cũng có thể ngừng xuất khẩu để đáp trả các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho họ.
IMF dự báo việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu, khí Nga có thể khiến GDP EU mất 3%, tùy vào mức độ khắc nghiệt của mùa đông. Ông kêu gọi các bước đi để chuẩn bị cho khả năng này.
“Không có biện pháp đơn lẻ nào mang lại hiệu quả toàn diện đâu. Họ sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp nhỏ, để có tác động lớn hơn”, trong đó có tìm nguồn cung thay thế, ông nói. Nhiều nước đã bắt đầu làm việc này.
Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng và các chính phủ phải tăng nhận thức của người dân về việc “giảm tiêu thụ nhiên liệu”. Việc này sẽ giúp dự trữ được nhiều năng lượng hơn trong trường hợp nguồn cung gián đoạn.
Tuy nhiên, Kammer cho rằng chiến sự tại Ukraine “không thể làm trật bánh đà phục hồi” của châu Âu và sẽ không gây ra suy thoái toàn khu vực.
Các nền kinh tế lớn tại eurozone, trừ Tây Ban Nha, sẽ “yếu đi trong năm 2022” và trải qua 1-2 quý GDP đứng yên hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. Tuy vậy, các nền kinh tế này sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay.
Theo VNE