Bí mật của những người giàu có không nằm ở những gì bạn thấy họ làm ngày hôm nay. Điều quan trọng thường được ẩn trong những câu chuyện đằng sau đó.
Có một số điểm tương đồng giữa những quyết định để tạo ra tiền bạc và những lựa chọn để duy trì nó. Nhưng đa phần sẽ vô cùng khác nhau. Nếu chỉ đơn thuần sao chép người giàu, bạn rất dễ đi lạc vào những ngã rẽ sai lầm, do đó khó có thể đạt được những thành tựu mong muốn.
5 sai lầm dưới đây là điều mà mọi người nên nhận thức càng sớm càng tốt.
Sai lầm 1: Chỉ cố thực hiện các mục tiêu lớn
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, những người giàu bắt đầu với những mục tiêu lớn. Đúng là mục tiêu của họ là lớn, nhưng quan trọng nhất là nó dường như không quá lớn đối với bản thân người đó. Họ biết mình phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Nếu chúng ta bắt chước một cách mù quáng thì thứ nhận lại cuối cùng chỉ là con số 0.
Điều này không có nghĩa là bạn không nên đặt ra những mục tiêu lớn. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn quá lớn vượt ngoài khả năng hiện tại thì bạn chỉ đang tạo ra những thất vọng cho chính mình.
Thậm chí, nó cũng có thể trở thành “ác mộng” về mặt tinh thần, khiến bạn bị ám ảnh, không thoát được cái bóng của sự thất bại. Do đó, đừng bao giờ đặt ra những mục tiêu mà bạn không thực sự tin rằng mình có thể đạt được.
Thay vì “bắt chước” người giàu và đặt những mục tiêu lớn, hãy tìm kiếm những mục tiêu thú vị. Sau đó, nuôi dưỡng mục tiêu của mình để nó ngày càng phát triển lớn hơn mỗi ngày.
Sai lầm 2: Thương hiệu và Hình thức
Người giàu tăng cường xây dựng thương hiệu và hình thức bề ngoài để duy trì vị thế giàu có của mình. Nhưng đó không phải là thứ quá quan trọng nếu như bạn mới “chân ướt chân ráo” trên con đường phát triển sự nghiệp.
Rất nhiều người thường đã chi rất nhiều tiền để sở hữu một tủ hàng hiệu, có ngoại hình chải chuốt cầu kỳ. Rồi họ mới phát hiện ra, không ai xung quanh quan tâm tới điều đó.
Các công ty tỷ đô cần xây dựng thương hiệu. Nhưng nếu bạn mới bắt đầu kinh doanh cửa hàng trực tuyến của mình, thứ mà bạn cần là tiếp thị. Giữa hai điều này có sự khác biệt rất lớn.
Hãy đầu tư nội hàm trước khi đầu tư hình thức. Ảnh: Omid Armin / Unsplash
Tiếp thị là nỗ lực để thu hút những người mới bước vào thế giới của bạn. Xây dựng thương hiệu là một nỗ lực để khiến mọi người trong thế giới của bạn ở lại và thu hút những người khác tham gia. Hãy lựa chọn một phương pháp phù hợp nhất với vị thế hiện tại của mình.
Điều này cũng giống với tâm lý: Càng có nhiều tiền, bạn càng trở nên thầm lặng. Tuy nhiên, nếu chưa có tiền, bạn nên sẵn sàng gây ồn ào.
Những người giàu có thường tìm về sự an yên, nhưng chính thị trường sôi động và ồn ã mới là nơi đưa họ đến được vị trí thành công như bây giờ. Và khi họ muốn nâng tầm bản thân lên cấp độ tiếp theo, họ sẽ tiếp tục quay lại gây ồn ào. Im lặng trong khi bạn đang “bù đầu bù cổ” với các gánh nặng tài chính cũng không giúp ích được gì.
Sai lầm 3: Trở nên tự lập
Trên thế giới có không ít ví dụ của “tỷ phú tự thân” hoặc “triệu phú tự thân” thành công vang dội. Tuy nhiên, rất nhiều những người giàu có khác lại sở hữu điểm chung: Đó là sự ủng hộ.
Nếu bạn nghĩ rằng có thể làm mọi thứ một mình và tự đạt đến đỉnh cao, bạn sẽ tự bào mòn bản thân và rất nhanh rơi vào tình trạng kiệt quệ. Những người siêu thành công (đặc biệt là những người trẻ tuổi) thường là kết quả phấn đấu của cả một đội nhóm. Họ sở hữu các quản lý, huấn luyện viên, trợ lý và rất nhiều người giúp đỡ sau lưng.
Nếu bạn muốn lên đến đỉnh cao, bạn phải tìm được đội nhóm hỗ trợ cho mình, giống như startup phải đi tìm các angel investor. Đó là một điều hiển nhiên nếu muốn con đường phát triển thuận lợi hơn.
Sai lầm 4: Thuyết phục người lạ mua hàng
Nếu bạn không thể mời những người thân cận nhất mua hàng thì đừng chào hàng người lạ. Đừng nhìn cách người thành công tấn công vào những thị trường xa lạ và bắt chước điều đó. Muốn mọi thứ đi theo đúng hướng, bạn nên có sự khởi đầu ổn định hơn.
Trước tiên, bạn phải có khả năng biến những người mình quen biết thành người mua. Tập trung vào những người đó và giành chiến thắng ở thị trường thân quen sẽ cung cấp cho bạn sự tự tin cần có.
Sau khi tích lũy vốn kinh nghiệm nhất định, đúc rút ra phương pháp thích hợp với bản thân, bạn mới bắt đầu học cách tiếp cận người lạ.
Thuận đường mà đi sẽ giúp bạn có thêm tự tin và động lực. Ảnh: Churchleaders
Sai lầm 5: Nói về thất bại
Khi đã thành công, bạn có thể quay đầu nhìn lại những thất bại giống như một bài học quý giá. Đó cũng là một trong những điều tạo nên sức hút của bạn.
Tuy nhiên, bạn không nên làm điều đó khi trong tay chưa có bất cứ thành tựu gì. Chia sẻ những khó khăn, vấp ngã ở thời điểm này chỉ dành được sự cảm thông từ người thân, sự thờ ơ từ người lạ, sự khinh thường và nhạo báng từ đối thủ. Điều này sẽ không mang lại bất cứ nguồn năng lượng nào mà bạn mong muốn.
Hãy “để dành” những câu chuyện thất bại cho đến ngày thành công của bạn là điều hiển nhiên.
*Theo richculturemedia
Theo Nhịp sống kinh tế